Ngày đăng bài: 15 Tháng Năm, 2016
Lượt xem: 4890
Tác giả: admin
Đến thăm các di tích lịch sử, đình, chùa, miếu mạo, các công trình tín ngưỡng,… ta thấy choáng ngợp bởi các pho tượng phật, các hoành phi câu đối,… lấp lánh ánh vàng, ánh bạc. Trên các tác phẩm đó, người ta đã phủ lên một chất liệu đặc biệt: các lá vàng quỳ, bạc quỳ. Mặt hàng đặc biệt đó được làm ra tại làng Kiêu Kỵ…
Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống chuyên làm vàng quỳ, thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, có lịch sử trên 400 năm do danh nhân tổ nghề Nguyễn Quý Trị chế ra và truyền dạy.
Đến Kiêu Kỵ hôm nay, từ xa đã nghe tiếng âm vang khúc nhạc đập quỳ khoan mau, suốt ngày không dứt.
Không chỉ riêng tại làng, người Kiêu Kỵ còn đem theo nghề của mình đi khắp các vùng, miền trên đất nước như: Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Huế… lập nghiệp. Hàng năm, vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, làng mở hội nghề khai xuân và tế lễ tổ nghề.
Hiện nay, cả làng có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có tới 20 thợ làm việc.
Quy trình làm vàng quỳ
Những thỏi vàng, bạc thật được đập cho dài và mỏng (gọi là đập diệp) có bề ngang 1cm, được cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ.
Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ loại giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai, được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc.
Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2, dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ.
Cắt nhỏ lá vàng đã đập mỏng thành mười hai mảnh, lấy một mảnh đặt tiếp lên lá quỳ và tiếp tục đập mỏng. Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục. Tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Còn ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng trả khách, người thợ phải làm việc trong phòng kín gió.
Khi sử dụng vàng quỳ, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảng tre vát mỏng để giát vàng lên các sản phẩm; hoạ sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.
Nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật chuẩn. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực “lướt” quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách… 1 chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2.
Cho đến nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này. Hầu hết các làng làm nghề tạc tượng, khắc hoành phi, câu đối, hoặc làm hàng sơn mài… đều là những bạn hàng của làng Kiêu Kỵ.
Các họa sĩ trang trí những công trình kiến trúc lớn đã sử dụng vàng quỳ Kiêu Kỵ cho việc trang trí nội thất như: Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều khách sạn lớn trong toàn quốc. Các di sản văn hóa, kiến trúc được UNESCO công nhận như Kinh đô Huế, di sản Hội An, Văn Miếu Quốc Tử Giám luôn phải dùng đến vàng quỳ, bạc quỳ để trang trí nội thất.
Hiện nay, làng Kiêu Kỵ còn có nghề làm đồ dùng bằng da và giả da phát triển nhất trong nước với vài trăm hộ làm nghề này, trong đó có công ty LADODA có gần 300 công nhân./.
Thu Hoài
Ngày đăng bài: 15 Tháng Năm, 2016
Lượt xem: 4891
Tác giả: admin